DANH MỤC

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA

Lượt xem: 892 - Ngày: 13/07/2018

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA

Xem thêm:

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA. Công nghệ làm đẹp ngày nay luôn có sự cải tiến không ngừng, từ những thành phần làm sáng da, chống lão hóa cho đến trị mụn, các nhà nghiên cứu đã liên tục tìm tòi và cho ra những hoạt chất mới cải tiến hơn và ngày càng phù hợp với đại đa số những người tin dùng, thành phần tẩy da chết cũng không ngoại lệ. Ngoài AHA, thành phần cải tiến PHA đang dần có mặt trong các sản phẩm làm sáng, mịn da công nghệ cao với những đặc tính nổi bật hơn hẳn.

 

Tổng quan về thành phần tẩy da chết hóa học và PHA

Các chất tẩy tế bào chết hóa học hiện nay chủ yếu là các hydroxy acid, bản chất là các carboxylic acids, có thể chia làm 4 loại sau:

  • Alpha hydroxy acids (AHAs) trong nhóm này có glycolic acid, lactic acid, phytic acid,…
  • Beta hydroxyl acids (BHAs) gồm malic acid, citric acid và các loại acid trái cây khác.
  • Salicylic acid (SA) có chứa nhân thơm trong cấu trúc phân tử, LHAs (lipo hydroxyl acids) thuộc nhóm này.
  • Poly hydroxy acids (PHAs) có nhiều nhóm hydroxyl nhưng ít nhất có một nhóm gắn vào vị trí alpha của mạch carbon, 2 đại diện thường gặp là gluconolactone và lactobionic acid.
  • Vì cũng có một nhóm hydroxyl gắn vào vị trí alpha nên có thể coi PHAs là một AHAs, nó cũng có những tính chất giống với AHAs tuy nhiên lại ít gây kích ứng hơn.

PHAs là một thành phần tương đối mới mẻ, bài viết này hy vọng sẽ giúp các bạn có một số khái niệm cơ bản về tân binh siêu lợi hại nhưng ít người biết tới trong gia đình tẩy tế bào chết hóa học này nhé.

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA
PHAs và các đặc tính so với AHAs

Cơ chế hoạt động

PHAs, tương tự AHAs, tan trong nước và làm lỏng liên kết giữa các tế bào sừng biểu bì bằng cách tác động lên ion Calci có trong cầu nối tế bào, làm tế bào tách sừng rời nhau và bong ra, từ đó thực hiện được chức năng tẩy tế bào chết, làm sạch và làm mịn da.

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA

Không chỉ được dùng như một chất tẩy tế bào chết hằng ngày ở nồng độ thấp (4-10%), ở nồng độ cao, PHAs cũng được sử dụng để lột (peeling), cho hiệu quả kém hơn so với acid glycolic (một loại AHAs) nhưng bù lại ít gây kích ứng hơn. Điều này có thể giải thích là do cấu trúc phân tử của PHAs lớn hơn nên nó ít khả năng xâm nhập sâu hơn so với AHAs và từ đó ít gây kích ứng.

Tác dụng của hoạt chất PHAs

Giống AHAs, PHAs cũng có các tác động chống lão hóa thông qua sự tăng sản sinh collagen, tăng phân bào và tác động chống tăng sắc tố thông qua việc ức chế trực tiếp enzyme tyrosine kinase.

Một nghiên cứu (2) cũng chỉ ra rằng PHAs cũng làm gia tăng khả năng chống chịu của da đối với tác hại của tia UV bằng cách ức chế các gốc tự do, ngăn chặn sự ảnh hưởng của UV với elastin – một mô sợi giúp da săn chắc và đàn hồi. Nghiên cứu này cũng cho thấy việc sử dụng PHAs không làm gia tăng số tế bào bị cháy nắng. Kết luận này khác so với các quan điểm trước đây cho rằng sử dụng AHAs sẽ làm da tăng nhạy cảm hơn với ánh sáng. Hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều báo cáo về vấn đề này, nhưng dù gì thì sự tăng khả năng chống chịu của da dưới ánh nắng cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ được bảo vệ hoàn toàn khỏi tia UV. Việc bôi kem chống nắng mỗi ngày vẫn luôn rất cần thiết.

Tìm Hiểu Thành Phần Tẩy Da Chết Thế Hệ Mới PHA

Thời gian phát huy hiệu quả

Đối với một sản phẩm chống lão hóa hay tẩy tế bào chết, dĩ nhiên không thể trông đợi vào một tác động tức thì mà cần sự kiên nhẫn và thời gian. PHAs và cả AHAs cũng không phải là ngoại lệ. Thông thường những kết quả nhận thấy được trên da đến sau khoảng 12 tuần. Sau 12 tuần sử dụng, cả AHAs và PHAs đều cho thấy khả năng chống lão hóa của mình thông qua các biểu hiện: làm săn chắc da, thu nhỏ lỗ chân lông, làm sáng màu da, giảm nếp nhăn,…. Tuy nhiên, đi cùng với những cải thiện về mặt cấu trúc, thì da của những nguời dùng AHAs có xu hướng bị đỏ, châm chích và rát da nhiều hơn so với trước khi sử dụng còn những người dùng PHAs lại nhận thấy một kết quả trái ngược hoàn toàn.

Về độ pH

PHAs hoạt động ở độ pH 3-4,tương đương với AHAs.
Khả năng dưỡng ẩm và trị mụn
Ngoài độ dịu nhẹ với da thì PHAs còn có hai khả năng nổi trội hơn so với người anh em cùng nhóm của mình, đó là khả năng cung cấp độ ẩm cho da và khả năng trị mụn.

PHAs, cụ thể là gluconolactone có thể thực hiện chức năng của một humectant, gia tăng độ ẩm cho da bằng cách tăng hấp thu nước vào trong lớp biểu bì (hãy tưởng tượng khi lên da gluconolactone sẽ hoạt động như một miếng hút ẩm tuơng tự như hyaluronic acid vậy). Về hoạt tính trị mụn, khả năng trị mụn của PHAs 14% tương đương với Benzoyl peroxide 5% nhưng hầu như không gây kích ứng và khô da mạnh như benzoyl peroxide (4).

Đối tượng sử dụng

Với những đặc tính đã kể trên, PHAs có thể được sử dụng cho mọi loại da, thích hợp hơn cho người có da khô, nhạy cảm hoặc những người bị kích ứng với AHAs.
Bên cạnh khả năng tẩy tế bào chết dịu nhẹ, những minh chứng rõ ràng trong khả năng chống lão hóa, dưỡng ẩm và khả năng trị mụn, hy vọng từ nay PHAs sẽ được chú ý nhiều tìm kiếm nhiều hơn bên cạnh những đàn anh đàn chị trong gia đình tẩy tế bào chết hóa học đã nổi tiếng của mình.

CÁC TIN LIÊN QUAN